Làm cha mẹ luôn là một cảm giác và trải nghiệm rất đỗi hạnh phúc, nhất là khi bạn bước vào giai đoạn đón con đầu lòng. Đương nhiên là khi có con thì bạn sẽ phải thay đổi cách sinh hoạt và cả cách sử dụng các vật dụng trong nhà đối với các gia đình trẻ. Không còn là cách sắp xếp đồ trang trí kín các khoảng trống, hoặc treo đựng các vật dễ vỡ theo sở thích khắp phòng. Nhưng đôi khi việc tập trung vào sự kiện chào đón con như chăm sóc dinh dưỡng, mua sắm đồ dùng cho trẻ…làm cho bạn xao nhãng việc bố trí chỗ ở và sinh hoạt cũng quan trọng không kém. Trẻ nhỏ lớn nhanh và thay đổi thói quen hoạt động liên tục nên việc tạo các không gian an toàn cho con là rất cần thiết.
Không chỉ ở ngoài trẻ mới có thể gặp nguy hiểm mà trong nhà cũng có nhiều mối hiểm nguy rình rập. Vì vậy, bạn cần nâng cao cảnh giác với những đồ vật trong nhà, lên danh sách kiểm tra những vật dụng có thể gây hại cho con và có biện pháp an toàn cho trẻ em để giảm thiểu rủi ro.
Gần đây, một bé gái một tuổi đã bị ho và sốt trong nhiều tuần. Tình trạng của bé đã không cải thiện dù bác sĩ đã cho bé dùng thuốc. Sau đó, bác sĩ đã cho bé chụp X-quang và phát hiện ra có một vật lạ ở khoang ngực. Khi kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ nhận thấy đó là một cây kim dài 4,5cm, đường kính là 2mm nằm ở tâm thất trái của bé. Sự kiện là cảm gia đình đều bất ngờ và đặt ra câu hỏi về độ an toàn trong không gian ở nhà càng cao hơn.
Nhà là không gian mà bé sẽ ăn, ngủ, sinh hoạt phần lớn trong suốt những năm tháng đầu đời. Vì vậy, đây là nơi cần được ưu tiên hàng đầu về vấn đề an toàn. Hãy nhìn không gian nhà ở của bạn dưới con mắt của một đứa trẻ, bạn sẽ thấy có rất nhiều nguy cơ tiềm tang từ những đồ nội thất cho đến không gian ngoài sân vườn, ban công. Bảo đảm cho con sự an toàn không chỉ giúp bé có thể vui chơi thoải mái, mà còn giảm bớt áp lực và lo âu của cha mẹ. Bạn nên chú ý hơn về các điểm sau đây nhé.
1/ Vật dụng cần lưu tâm trong Phòng ngủ:
Tuy phòng ngủ không có nhiều vật có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhưng bạn vẫn cần chú ý những điểm sau:
- Không đặt giường trẻ gần rèm cửa sổ hay dây kéo màn đề phòng trẻ nghịch những dây này và bị nghẹt thở.
- Lắp song sắt cho mọi cửa sổ trong phòng ngủ.
- Cố định thật chắc chắn các tủ đồ vào tường để tránh tình huống trẻ nghịch ngợm làm đổ tủ
2/ Những tai nạn không ngờ có thể xảy ra ở Phòng tắm, nơi có nước:
Khi cho bé tiếp xúc với nước cần đặc biệt lưu ý đến an toàn của con. Từ bồn tắm, đến hồ bơi, ao cá hay đi biển, đều có thể mang đến những nguy hiểm cho bé. Bạn có biết trẻ em có thể chết đuối ở mực nước vài centimet chỉ trong thời gian bạn nghe một cuộc điện thoại? Ngay cả những bé biết bơi rồi vẫn có thể dễ dàng bị hoảng sợ và chết đuối. Vì vậy, đừng bao giờ rời mắt khỏi con bạn khi bé đang tiếp xúc với nước.
Riêng giới hạn trong phòng tắm thì chúng ta cần cẩn thận:
- Đặt mọi loại dầu gội, xà phòng, sữa tắm… ở nơi ngoài tầm với của trẻ vì trẻ có thể lấy nghịch và bị ngộ độc hóa chất.
- Lắp khóa an toàn cho trẻ vào tất cả các tủ trong phòng tắm.
- Không thay đổi nhãn mác của các loại xà bông tắm giặt hay thuốc để trẻ không dùng nhầm xà phòng hoặc thuốc không phù hợp với trẻ.
- Luôn kiểm tra nhiệt độ nước tắm trước khi tắm cho bé.
- Sử dụng thảm chống trượt cho phòng tắm.
- Tháo phích cắm và cất các thiết bị sử dụng điện như máy sấy, máy uốn tóc… đề phòng trẻ bị điện giật hay phỏng khi nghịch những thiết bị này.
3/ Hạn chế hoặc không nên cho trẻ vào là Phòng bếp:
Bếp là nơi chứa khá nhiều vật nguy hiểm và là nơi gây tò mò cho trẻ nhất. Nếu không ngăn được trẻ vào phạm vi này thì bạn hãy chú ý để gian bếp trở nên an toàn hơn với các mẹo sau:
- Chọn các thiết bị nấu ăn trong bếp như lò nướng, lò vi sóng và tủ lạnh có chức năng khóa an toàn để trẻ không thể mở các thiết bị này
- Cất tất cả các vật nhọn như dao, kéo, nĩa ở trong tủ hoặc trên cao ngoài tầm tay của trẻ
- Lắp khóa an toàn cho các ngăn tủ bếp
- Cất tất cả các chai nước rửa chén, dầu hôi, nước lau sàn ra khỏi tầm tay của trẻ.
- Các vật dụng vệ sinh nhà cửa như chổi bông cỏ, chổi tàu cau quét sân, cây lau nhà cũng phải máng, treo vào vị trí cố định không để trẻ lôi ngã được
4/ Tạo nơi vui chơi chính của trẻ ở sân vườn:
Nếu nhà bạn có vườn, đây sẽ là một nơi lý tưởng cho trẻ vận động và khám phá. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý những điều sau để trẻ chơi an toàn hơn:
- Bạn hãy dùng hàng rào để khoanh vùng những nơi trẻ có thể chơi trong vườn và dặn con không được vượt qua hàng rào.
- Bạn dọn dẹp những loại cây có thể gây hại cho trẻ: cây vạn niên thanh, cây có gai (xương rồng), cây trúc đào, trầu bà, hoa ly, cây lưỡi hổ, cây lan ý.
- Che chắn các vòi nước hay thùng chứa nước để trẻ không thể tiếp cận những vật dụng này.
5/ Các khu vực khác trong nhà: có nhiều vật có thể gây nguy hiểm cho trẻ như các cánh cửa, cầu thang…Mua miếng che ổ điện và gắn nó vào tất cả ổ điện không sử dụng trong nhà. Bạn hãy chọn loại chắc chắn để bé không gỡ ra được.
- Lắp cửa cầu thang tại các tầng.
- Mua miếng bọc cạnh bàn để bao các góc bàn hay bất cứ góc nhọn nào trong nhà.
- Đóng tất cả các kệ và tủ trong nhà vào tường thật chắc chắn. Bạn cũng nên sắp xếp những vật nặng ở tầng dưới của kệ để kệ đứng vững hơn.
- Lắp các thiết bị chống kẹp hay đồ giữ cửa vào tất cả cửa trong nhà để con không bị kẹt tay.
- Cất những món đồ chơi quá nhỏ, không phù hợp với lứa tuổi của con. Bạn cũng nên kiểm tra những đồ chơi chạy bằng pin xem nắp khoang đựng pin có chắc chắn không để tránh trẻ nuốt pin.
- Để tất cả các vật nhọn ra ngoài tầm tay của trẻ.
6/ Kỹ năng sơ cứu cho trẻ
Bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng nên tìm hiểu về việc sơ cứu cho bé. Những kiến thức cơ bản này có thể hữu dụng rất nhiều khi con bạn gặp rủi ro nào đó. Ví dụ như học cách cầm máu cho con, làm thế nào để xử lý vết phỏng hay khi con bị hóc xương hoặc thức ăn. Bạn có thể tham dự những khóa đào tạo sơ cứu cho trẻ em để học thêm những kiến thức phổ thông về cách xử lý các trường hợp khi xảy ra tại nhà ngay khi trẻ có dấu hiệu bất thường.
Con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Để tạo cho con một không gian sống thoải mái và an toàn cho trẻ, đôi khi không phải chỉ cần tinh ý hay chu đáo là đủ. Mỗi năm có rất nhiều ca trẻ em nhập viện vì những rủi ro không đáng có. Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa chúng bằng những cách như bên trên cũng khá đơn giản. Chúc gia đình bạn luôn tạo nơi an toàn cho trẻ phát triển sự tò mò mà vẫn thoải mái bên con không lo lắng quá nhiều nhé.